Đã lâu lắm rồi, cái thời mà Tivi vẫn còn chưa quá phổ biến, cái thời còn những con quay, cánh diều và cả những hòn bi ve lăn tít trên khắp các sân đất nện ngoài đầu xóm... Hồi đó, Tintin là một seri phim hoạt hình mà tụi trẻ con rất ưa thích, chúng ngồi xem chăm chú lắm và không muốn bỏ lỡ một frame hình nào... Thời gian vụt trôi đi, lũ quỷ nhỏ lớn lên và dường như quên mất những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh đáng yêu trong ký ức, có chăng chỉ là một thoáng lướt qua màn hình Tivi rồi đọng lại một giây thôi “a, ngày trước mình đã từng xem đoạn này rồi” và sau đó cuộc sống lại cuốn chúng theo sự ồn ã tấp nập tới bộn bề... Cho đến khi họ bắt gặp The Adventures of Tintin: The Secret of The Unicorn. Và từ đây, một ký ức bắt đầu. Bắt đầu cho đám trẻ ngày xưa và bắt đầu cho cả những đứa trẻ bây giờ.
Những cuộc phiêu lưu của Tintin là bộ truyện tranh gồm 24 tập (xuất bản từ năm 1929 - 1986) do hoạ sĩ người Bỉ - Hergé sáng tác. Tintin ra mắt lần đầu tiên bằng tiếng Pháp ở phụ trang dành cho trẻ em của báo Le Vingtième Siècle vào ngày 10 tháng 1 năm 1929. Và kể từ đó, bộ truyện đã thu hút vô vàn độc giả và các nhà phê bình trong hơn 70 năm qua. Cho tới nay, Tintin được xem là thịnh hành nhất châu Âu, được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và đã bán được hơn 350 triệu bản. Phải chăng điều đó đã thôi thúc Steven Spielberg hay chính ông cũng có những ký ức tuổi thơ... để rồi vị đạo diễn đại tài tạo nên một tác phẩm điện ảnh làm nức lòng bao người mến mộ trên khắp thế giới.
Anh chàng nhà bảo trẻ ưa khám phá có tên Tintin (Jamie Bell) và chú chó trung thành Snowy trong một phiên chợ đã tình cờ mua được một mô hình Kỳ Lân Hạm với giá cực kỳ hời (1 bảng anh - tương đương 1 bát phở với đôi quả trứng chần và vài cái quẩy ở Việt Nam). Anh không ngờ rằng, đó lại là món đồ vô giá với dòng họ nhà Haddock cũng như tên Sakharine xấu xa và tham lam. Anh càng không nghĩ rằng, chiếc Kỳ Lân Hạm mà anh nắm giữ sẽ mang đến cho anh biết bao nguy hiểm và thậm chí đe dọa tới tính mạng. Bản tính tò mò ham hiểu biết đã thôi thúc anh đi tìm lời giải cho những rắc rối mà anh gặp phải sau khi sở hữu mô hình Kỳ Lân Hạm... Trên đường đi, anh tình cờ làm quen với vị thuyền trưởng lúc say lúc tỉnh Haddock (Andy Serkis). Bắt đầu từ đây, giữa họ hình thành một tình bạn đặc biệt, trải dài qua nhiều chuyến phiêu lưu về sau này.
Từng làm đủ các thể loại từ hài hước, kinh dị, hành động tới phiêu lưu mạo hiểm và tình cảm lãng mạn. Nhưng ở Steven Spielberg, khán giả có thể nhận ra phong cách làm phim đầy lôi cuốn, vô cùng li kỳ và đậm chất mạo hiểm vẫn xuyên suốt mỗi tác phẩm điện ảnh mà ông tham gia sản xuất. The Adventures of Tintin cũng không phải ngoại lệ. Ngay cái cách mở đầu phim bằng một trường đoạn Credit đầy bí hiểm đã lộ rõ vẻ trinh thám khiến con người ta khoái trí và thích thú. Thêm vào đó, âm nhạc, góc máy, lối dựng, cách thể hiện các trường đoạn rượt đuổi mạo hiểm tạo nên một không khí rất quen thuộc, khiến người xem liên tưởng tới những tác phẩm kinh điển trong quá khứ. Tất nhiên không phải ai cũng thích phong cách làm phim này nhưng đây vẫn là điểm đáng trân trọng của Steven Spielberg. The Adventures of Tintin là sự trở lại tuyệt vời của ông sau Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull hồi năm 2008.
Lại nói về lối dựng, cá nhân người viết vô cùng hứng thú và cảm thấy vô cùng mãn nhãn khi theo giõi trường đoạn rượt đuổi ở gần cuối phim của Tintin để dành lại 3 mảnh giấy bí mật từ tay của Sakharine và đồng bọn. Ở trường đoạn này, kỹ thuật Long-take (là những trường đoạn dài chỉ dùng 1 cú bấm máy chứ ko phải là cắt ghép nhiều trường cảnh với nhau) được sử dụng rất hợp lý, kéo sự tập trung của người xem tới cao độ, các góc máy liên tục tdi chuyển, thay đổi vị trí cũng như độ cao. Những cú Long-take “khủng” trước đây mà người viết từng được xem qua như ở Atonement(2007), Children of Men (2006) hay nhiều những tác phẩm khác thường mang tới những cảm giác nặng nề, dài lê thê hay cực kỳ “khó thở” thì ở Tintin hoàn toàn ngược lại. Nó sảng khoái, hấp dẫn và thực sự “no mắt”.
Không chỉ vậy, cảnh song chiến cuối phim của 2 chiếc cần cẩu càng làm sáng tỏ phong cách làm phim độc đáo có một không hai của Steven Spielberg. Vẫn là phim hoạt hình thật đấy, nhưng ông đã khéo léo đưa những hiệu ứng cháy nổ hành động “hoa mỹ” cực bom tấn vào phim. Điều đó phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em, nam thanh nữ tú tới những người vừa và lớn tuổi hơn. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới yếu tố hài hước đậm chất Anh quốc xuất phát chủ yếu từ gã thuyền trưởng ẩm ương Haddock và cặp đôi thám từ khờ Thomson - Thompson đã làm khán giả không ít lần cười nghiêng ngả sảng khoái.
Điều cuối cùng, đối với một tác phẩm sử dụng công nghệ bắt chuyển động 3D như The Adventures of Tintin, lại được thực hiện bởi đạo diễn Steven Spielberg, sản xuất bởi nhà làm phim có nhiều kinh nghiệm về kỹ xảo như Peter Jackson và đặc biệt là bậc thầy về Motion Captures - Andy Serkis(TLOTR và Rise of Planet of the Apes) thì khán giả không có gì phải phàn nàn về mặt đồ họa...
Những cuộc phiêu lưu của TinTin: Bí mật Kỳ Lân Hạm xứng đáng là một bộ phim giải trí đỉnh cao vào dịp sum họp cả gia đình hay một buổi tối cuối tuần vui vẻ.
Đăng nhận xét